MỘT SỐ CÔNG CỤ KHÁC THAY THẾ bộ phận đơn sắc hóa (Alternatives to monochromators)
Bộ phận đơn sắc hóa (monochromators) không phải là lựa chọn duy nhất để phân tách một dải sóng nhất định trong máy đọc khay vi thể (microplate reader). Có những công cụ khác cũng rất phổ biến như:
Kính lọc (filter)
Những dụng cụ có thiết kế kính lọc thường rẻ và cho độ nhạy tốt nhờ vào độ thẩm thấu (permeability) cao và đặc tính chắn (blocking) của các kính lọc. Tuy nhiên chúng không có tính linh hoạt bởi vì từng kính lọc thường cố định với một bước sóng riêng và một dải quang phổ (bandwidth) có độ rộng nhất định. Vậy nên để đo được nhiều bước sóng, chúng ta phải có nhiều bộ kính lọc khác nhau.
Đèn LED
Đa số các dụng cụ sử dụng nguồn cung cấp ánh sáng trắng là bóng đèn dây tóc vonfram (tungsten) và xenon. Tuy nhiên, chúng ta có thể thay thế các nguồn sáng này bằng đèn LED tạo ánh sáng đơn sắc (monochromatic light). Nhưng độ linh hoạt của dạng đèn này thậm chí còn kém hơn cả kính lọc (filter) bởi vì mỗi bước sóng lại phụ thuộc vào một nguồn sáng riêng. Do đó, những bóng đèn LED thường chỉ được dùng trong các dụng cụ có chi phí thấp cho một số phép phân tích đặc trưng.
Đèn laze (laser)
Đèn laze (laser) cũng tạo ra ánh sáng đơn sắc (monochromatic light) với cường độ sáng cao nhưng chúng thường đắt đỏ và chỉ có một số loại có thể dễ dàng điều chỉnh. Do vậy, thường thì để có được những bước sóng mong muốn chúng ta cần phải có nhiều bóng đèn laze khác nhau (lasers). Loại đèn này thường chỉ được dùng giới hạn cho một số thí nghiệm đặc hiệu, như AlphaScreen®.
Máy ghi phổ (Spectrograph)/ Hệ đa sắc (Polychromator)
Khi một thiết bị cảm biến hình ảnh (imaging device) thay thế khe ánh sáng đi ra (exit slit), chúng ta sẽ có cấu trúc của một máy ghi phổ (spectrograph). Cấu trúc này cho phép chúng ta phân tích ngay cường độ sáng của một dải màu rộng bằng tập hợp các máy thu nhận hình ảnh (photodetector) chạy bằng cảm biến CCD (Charge Coupled Device). Dòng máy này có thể ghi nhận kết quả của cả một phổ ánh sáng (spectrum) mà không cần phải quét cơ học (mechanical scanning) vậy nên chúng tốn ít thời gian đọc kết quả hơn. Tuy nhiên đổi lại độ phân giải và độ nhạy của máy lại không được tốt bằng và thường chỉ phù hợp với thí nghiệm hấp thụ ánh sáng (absorbance).
Thuật ngữ hệ đa sắc (polychromator) đôi khi được sử dụng thay thế cho máy ghi phổ (spectrograph), nhưng chúng không hoàn toàn giống nhau. Hệ đa sắc (polychromator) mang rất nhiều khe ánh sáng đi ra (exit slits) với mỗi khe cho phép một bước sóng xác định đi qua. Đặt sau mỗi khe này là một bộ phận tiếp nhận tín hiệu (detector) dùng để đo từng sóng ánh sáng tương ứng. Máy ghi phổ (spectrograph) lại không vận dụng những khe ánh sáng đi ra (exit slits) này mà trực tiếp sử dụng một bộ phận tiếp nhận tín hiệu (detector) được đặt vào vị trí tùy thuộc mục đích sử dụng.
Máy lai (Hybrid instruments)
Nhiều máy đọc khay vi thể tiên tiến (advanced microplate readers) cho khả năng xử lý rất uyển chuyển bởi chúng kết hợp nhiều công cụ chọn bước sóng khác nhau. Tùy thuộc vào tính chất của phép phân tích mà công cụ chọn bước sóng tối ưu nhất sẽ được sử dụng. Ví dụ như dòng máy Tristar 5 tích hợp các kính lọc (filters), 2 bộ phận đơn sắc hóa đôi (double monochromators) và cả tính năng đèn laze (laser) phù hợp cho việc đọc kết quả thí nghiệm AlphaScreen®.